Một trong những vấn đề liên quan tới luật pháp phức tạp nhất ở Mỹ là vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe. Vì nó đụng chạm trực tiếp tới khía cạnh: Sức khỏe và quyền sống theo nghĩa đen của mỗi người, ở thời điểm nhạy cảm nhất.

Thêm nữa, đụng đến y tế là đụng đến vô số bên liên quan, từ bệnh viện, công ty bảo hiểm, người lao động, thậm chí cả hệ thống chính trị… Vì vậy, trong phần này, mình thú thực chỉ có thể đề cập những gì đã biết ở góc độ chủ quan, tóm lược nhất và đặt trọng tâm vào đối tượng mới nhập cư.

Không bảo hiểm = phá sản

Cho đến trước khi “Đạo luật về chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền”, mà người ta hay gọi tắt là Obamacare ra đời, nền y tế Mỹ hiện diện dưới hình dung vừa là thiên thần vừa là ác quỷ.

Đội ngũ nhân viên y tế vào loại hàng đầu thế giới, máy móc, tiện nghi, cơ sở hạ tầng đều vậy. Tuy nhiên chi phí y tế người bệnh phải trả cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới. Những người thuộc lớp nghèo được nhà nước trợ giúp. Những người thuộc lớp giàu có, tất nhiên đủ khả năng chi trả. Riêng lớp trung lưu, y tế là một cơn ác mộng, vì họ phải gánh thường trực một khoản phí bảo hiểm ngất ngư.

Nếu ai “tặc lưỡi” không mua bảo hiểm, lỡ đổ bệnh, coi như… tán gia bại sản. Có một tỉ lệ rất cao những người nộp đơn xin phá sản là do dính phải chi phí y tế, khi lỡ đổ bệnh.
Obamacare đã được nhen nhóm hình thành từ các chương trình nghị sự phía đảng Dân Chủ từ nhiều nhiệm kỳ trước. Song đến thời tổng thống Obama, đã quyết tâm biến nó thành bộ luật được thực thi, với nhiều gian khó. Cho đến nay, bộ luật này vẫn còn nhiều điểm gây bất đồng từ các phía. Nhưng nhìn chung nó đã giúp đa phần người dân Mỹ yên tâm hơn khi ngã bệnh. Mình xin tóm lược vài điểm cơ bản của bộ luật… dày cui này như sau:
– Mọi người dân Mỹ bất kể giàu nghèo, khỏe mạnh hay đau yếu đều phải mua bảo hiểm y tế. Ngoại trừ những người đã được mua bởi các doanh nghiệp nơi họ đang làm việc, hoặc đang có các chương trình bảo hiểm khác (Gold Card, Medicaid, Medicare…).

– Các đối tượng như người lưu trú hợp pháp, lưu trú có thời hạn ngắn, du học sinh, đều có thể mua bảo hiểm này.

– Người đang bị bệnh, bệnh nặng, bệnh nan y cũng được mua bảo hiểm này ngay cả khi đang bệnh.

– Nếu không mua sẽ bị phạt từ 400 đến 700 đô/tháng, thời điểm 2016. Số tiền phạt tăng theo từng năm.

– Mức bảo hiểm phải mua tỉ lệ thuận với thu nhập. Những người nghèo, mới nhập cư, có thể chỉ phải mua bảo hiểm này với số phí hằng tháng vài đô la. Nhưng người giàu phải mua tới hàng ngàn đô mỗi tháng. Vì vậy có thể xem như đạo luật này “ép” người giàu, người khỏe mạnh phải “chi trả” cho người nghèo, người bệnh. Vì vậy nó gây nên sự phản đối từ nhiều đối tượng. Xem ra tính chất có vẻ giống như: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Tất nhiên là theo nghĩa bản chất, gốc gác của cụm từ này. Và bộ luật này vẫn được xem là không vi hiến Mỹ.

Vì vậy có thể rút ra kết luận: Về cơ bản, mọi người dân Mỹ, người có thẻ xanh, người lưu trú hợp pháp đều có bảo hiểm y tế, dưới hình thức này hay hình thức khác. Và không còn ai phải lo lắng về vấn đề chăm sóc sức khỏe nữa.

Bắt đầu hưởng dịch vụ y tế

Điều dễ nhận thấy ở Mỹ nói chung và ở Texas nói riêng đó là đi đâu người ta cũng nhìn thấy bệnh viện. Từ những tòa nhà vào loại khổng lồ nhất thành phố, cho đến các phòng khám quy mô vài bác sĩ. Sau khi mua bảo hiểm, bạn có thể chọn cho mình và gia đình một “phòng khám gia đình” ở gần khu vực mình ở. Thường người ta chọn một phòng khám của bác sĩ đồng hương, nếu chưa rành tiếng Anh.

Đây là một phòng khám đa khoa, ở cấp độ nhỏ nhất. Trừ trường hợp cấp cứu, phải vào thẳng bất kỳ bệnh viện lớn nào, còn lại khi cảm thấy… trong người khó ở, hoặc khám định kỳ hằng năm, bạn đều phải liên hệ trước với phòng khám gia đình này. Việc liên hệ có thể đến trực tiếp xếp hàng, hoặc đặt lịch khám qua mạng, điện thoại…

Đây là một thủ tục… gây mệt mỏi, vì hầu hết phòng khám không thể giải quyết ngay mà phải chờ trong ít ngày. Đúng hẹn, bạn tới phòng khám, đăng ký, nộp vài đồng “tượng trưng” và vào cho bác sĩ khám. Nếu là các bệnh nhẹ, bác sĩ gia đình giải quyết tại chỗ, ghi đơn thuốc cho bạn tới nhà thuốc lấy thuốc. Còn nếu bệnh “chuyên sâu”, bác sĩ gia đình sẽ chuyển bạn lên các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện lớn. Và bạn sẽ lại phải chờ thêm ít ngày, để bác sĩ chuyên khoa xếp lịch.

Khi lên phòng khám chuyên khoa, từ trường hợp cấp cứu cho đến các bệnh thông thường, bạn đều cảm nhận một không khí… vương giả, nếu bạn đã quen với không khí bệnh viện trong ký ức. Cho dù bạn là anh bưng phở hay ông thượng nghị sĩ, tất cả đều được đối xử như nhau. Nếu bạn không biết tiếng Anh, người ta sẽ kết nối cho bạn một phiên dịch.

Dù bạn bệnh như thế nào, cũng luôn có ít nhất một bác sĩ, cùng bảy tám y tá, trợ lý phục vụ bạn: Người chỉ đường, người đẩy xe, người cầm điện thoại đi kè kè bên bạn (trong trường hợp phải phiên dịch qua điện thoại). Và tất cả luôn nở nụ cười cùng… lời cảm ơn. Không có bất kỳ bác sĩ, y tá, trợ lý… nào nhận tiền “bồi dưỡng” bạn bỏ vô túi họ – thậm chí hành động này còn bị xem như sự coi thường.

Nếu bạn là một người mới nhập cư, có địa vị xã hội thấp, thu nhập không cao… sẽ rất dễ mang cảm giác bối rối khi được đội ngũ chăm sóc quá tận tình. Ví dụ, bạn cảm thấy như thế nào, khi có một “bà Mỹ trắng” lớn tuổi, quỳ dưới nền mò tìm một chiếc giày của bạn và mang nó vô chân bạn kèm nụ cười đầy chia sẻ? Khi nằm điều trị bạn luôn có một phòng riêng, cùng một giường cho thân nhân bên cạnh.

Tuy nhiên thân nhân chỉ mang yếu tố trợ giúp tinh thần, còn mọi việc theo dõi bệnh nhân đều được đội ngũ chăm sóc quan sát từng giây từ máy móc bên ngoài, cũng như thăm khám thường xuyên. Thân nhân không hề phải đụng chân đụng tay trong bất cứ công đoạn nào, kể cả lau mặt, đánh răng, vệ sinh cho người bệnh.

Có một tấm bảng, hoặc tờ phiếu đánh giá mức độ hài lòng của bạn với đội ngũ điều trị, chăm sóc trong phòng. Chỉ cần bạn chấm họ ở mức khá là họ đã… tá hỏa, xin lỗi, hỏi kỹ nguyên nhân nào khiến bạn cảm thấy không hài lòng.

Trường hợp bệnh nhi là trẻ em, thường có quà, đồ chơi chuẩn bị sẵn khi vô bệnh viện thăm khám. Thậm chí bác sĩ, đội ngũ điều trị còn là những… diễn viên, hay chú hề, tạo không khí vui tươi cho trẻ. Hai đứa nhỏ nhà tôi khi mới qua, cứ nghe nói được… tới bệnh viện cho bác sĩ khám là nhảy tưng tưng, háo hức như được đi… Disneyland!

Khi bạn đã có quốc tịch Mỹ, là người lớn tuổi, hoặc mang trong mình những căn bệnh thuộc nhóm nguy hiểm bạn sẽ có chế độ chăm sóc tại nhà. Hoặc chính phủ chi trả cho bạn khoản tiền thuê người chăm sóc tại nhà.

Bạn có thể thuê ngay cả… con cháu trong gia đình làm công việc chăm sóc sóc mình và chính phủ sẽ trả khoản tiền công chăm sóc ấy cho chính… con cháu bạn. Số tiền trả cho mỗi giờ chăm sóc như thế hẳn nhiên không thể dưới mức lương tối thiểu (ở Texas là 7.5 đô/h).

NẾU AI “TẶC LƯỠI” KHÔNG MUA BẢO HIỂM, LỠ ĐỔ BỆNH, COI NHƯ… TÁN GIA BẠI SẢN. CÓ MỘT TỈ LỆ RẤT CAO NHỮNG NGƯỜI NỘP ĐƠN XIN PHÁ SẢN LÀ DO DÍNH PHẢI CHI PHÍ Y TẾ, KHI LỠ ĐỔ BỆNH.

Không có bảo hiểm và cũng… không có tiền?

Khi bạn đã bước vô bệnh viện, mối quan hệ của bạn với đội ngũ điều trị chỉ còn là y bác sĩ và bệnh nhân. Không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào khác. Ít nhất bạn cũng phải được điều trị vượt qua cơn hiểm nghèo trong trường hợp cấp cứu. Tuyệt đối không có việc ứng trước viện phí rồi mới được nhập viện.

Trong thời gian điều trị, đội ngũ hành chánh của bệnh viện có thể tìm kiếm các thông tin về bạn, sau đó tư vấn cho bạn các hình thức giải quyết “hậu quả” ở mức tối ưu nhất. Sau khi bạn được điều trị xong, hóa đơn thanh toán sẽ được gửi về địa chỉ cư ngụ của bạn.

Nếu bạn không có khả năng chi trả ngay, khoản tiền ấy sẽ được chia nhỏ, để bạn trả góp từng tháng. Nếu bạn… vỡ nợ, tuyên bố đầu hàng, không trả góp gì hết trơn, mức “xử phạt” đối với bạn cũng chỉ là quan hệ dân sự, đẩy mức tín dụng về 0, chứ không có hình thức “làm khó” nào khác.

Nguyễn Danh Lam

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.