Sinh con ở Mỹ : Mẹ Việt kể như nghỉ dưỡng ở thiên đường, viện phí 0 đồng

“3 ngày ở bệnh viện của mình như ở thiên đường vậy, chỉ có sáng ngủ dậy xuống giường đi ra nhìn con, còn mọi thứ đều có y tá lo hết”, mẹ Việt nhớ lại kỉ niệm sinh con ở Mỹ cách đây hơn 1 năm.

Chuyện đi sinh con ở Mỹ trước nay vẫn được các mẹ kể lại như một trải nghiệm rất tuyệt vời và không thể nào quên. May mắn thay, chị Thiên Kim (hiện đang sống tại bang Virginia, Mỹ) cũng đã có cơ hội được tận hưởng những điều tuyệt vời đó khi sinh mổ hai em bé sinh đôi cách đây ít lâu. Và theo như lời chị Thiên Kim, “mình đi sinh mà tưởng chừng như đi nghỉ dưỡng, chẳng phải chuẩn bị bất kỳ một thứ gì ngoại trừ bộ quần áo mặc cho con khi từ viện về. Đặc biệt nhất là bảo hiểm thanh toán 100%, gia đình mình chẳng mất đồng nào”.

Chị Thiên Kim và hai bé sinh đôi.

Hai bé hiện đã được 1 tuổi nhưng trải nghiệm về những ngày sinh nở tuyệt vời vẫn khiến chị Thiên Kim nhớ mãi.

Hơn 36 tuần thai, chị Thiên Kim bước vào cuộc vượt cạn sớm hơn so với dự định vì mang thai đôi. Ngày đi sinh, chị được y tá đẩy xe vào phòng mổ để gây tê tủy sống. Khi cảm nhận nửa dưới người tê hoàn toàn, không còn một cảm giác gì nữa, y tá kéo màng che cách bụng và mặt chị. Chỉ chốc lát sau, ca mổ diễn ra tốt đẹp. Chồng chị vẫn ngồi bên cạnh chị nắm tay, nghe tiếng con khóc mừng rối rít, chạy lại bên con. “Mình chỉ cảm giác như có cái gì đè bụng mình, không hề đau một tí nào. Thế mà nghe một tiếng khóc, rồi lại đến tiếng khóc thứ 2 cách sau đấy chỉ 1 phút. Rồi chồng mình và con được về phòng trước. 7 tiếng sau khi mổ, mình đã có thể tự bước đi”.

Chị Thiên Kim cũng tâm sự, đến sáng hôm sau ngày sinh là chị đã có thể dậy đi như bình thường, rất nhẹ nhàng. Ngày thứ 3 sau mổ, chị đã có thể tự đi vệ sinh, đi tắm, đánh răng, cho con bú hay tự phục vụ mọi thứ một mình. Dường như với chị, niềm vui được làm mẹ đã khiến mọi nhọc nhằn tan biến hết. Bên cạnh đó, lý do khiến chị hồi phục nhanh đến như vậy còn phải kể đến điều kiện đi sinh chẳng khác gì một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Chị kể lại: “Không biết nói gì hơn ngoài từ 100% hoàn hảo để đánh giá dịch vụ ở đây. Mỗi ngày đều có 2 y tá vào chăm mình, một người là khám vết thương, một người cho uống thuốc, rửa ráy, thay bỉm… và 2 y tá vào chăm sóc cho con. Cứ 2-3 tiếng họ lại vào chăm con mình một lần, cho bú, thay tã, cho ợ, tắm cho con. Mọi thứ đều được y tá làm hết. Mình đi sinh không mang gì theo hết ngoài bộ đồ cho con khi ra viện, 2 khăn tắm, 4 khăn sữa. Mọi thứ ở bệnh viện cho hết, từ sữa công thức, khăn, tã, khăn quấn bé, tã cho mẹ, sữa tắm, lược, bàn chải… Mình cứ tưởng mình đi nghỉ dưỡng chứ không phải đi sinh”.

Những điều kiện tuyệt vời ở bệnh viện của Mỹ còn khiến chị Thiên Kim cảm thấy như ở… thiên đường: “3 ngày ở bệnh viện của mình như ở thiên đường vậy, chỉ có sáng ngủ dậy xuống giường đi ra nhìn con. Còn y tá sẽ bế con lên giường cho em chơi, rồi bế con lại cho con ngủ, mọi thứ y tá đều lo hết. Ngay cả việc bế con đi làm tất cả các loại xét nghiệm hay kiểm tra sức khỏe gì đi nữa, cũng là một tay y tá làm hết. Mình chỉ việc nghỉ ngơi để hồi sức lại thôi. Ở đây, tất cả mọi người đều ân cần, chỉ cần mình bấm chuông thì sẽ có mặt ngay lập tức 24/24 để phụ mình”.

Việc ăn uống sau sinh ở bệnh viện Mỹ cũng hoàn toàn khác xa với truyền thống Việt Nam. Chị Thiên Kim kể lại: “Một điểm cộng tuyệt vời nữa là những bữa ăn. Sau sinh mình sẽ phải uống mỗi ngày 3 lít nước đá, ăn đá lạnh để có tác dụng nhanh xẹp dạ con. Nước cam cũng được uống mỗi ngày để nhanh lành vết thương. Ăn nhiều thịt bò để bổ máu. Ăn soup gà, bánh cookie, uống sữa, ăn kem, ăn trái cây… theo đúng nhu cầu của mình chứ chẳng cần phải kiêng cữ bất cứ một thứ gì. Còn nhớ có hôm mình thèm phở, mình nhờ chồng ra ngoài mua phở về cho ăn. Nhưng bếp bệnh viện vẫn nhắc phải order đồ ăn, không ăn cũng order và để đấy tối chồng về ăn hộ. Họ quan tâm đến mình từng nhu cầu nhỏ lắm”.

Một trong những bữa ăn sau sinh chị Thiên Kim chụp lại.

Chia sẻ lại hành trình mang thai của mình, chị Thiên Kim kể: “Mình mang thai đôi theo phương pháp tự nhiên, sau 5 tháng ngóng con. Thai kỳ diễn ra nhẹ nhàng, mình chỉ nghén vài tuần từ giữa tháng thứ 2 đến tháng thứ 3. Mình thèm ăn rất nhiều thứ mà trước nay chưa hề thèm như bánh donut, nước đá, cafe sữa, các món ăn nhanh và tất cả các món ngọt. Mình siêu âm và biết được thai đôi vào tuần thứ 12, đến tuần thứ 14 đã cảm nhận được con máy trong bụng”.

Ở tuần thứ 22 thai kỳ, chị về Việt Nam chơi khoảng 2 tháng. “Mọi việc ở Việt Nam đều diễn ra suôn sẻ, mình ăn nhiều đến mức cứ tính tiền ra khỏi tiệm là đã bị đói tiếp. Ở Việt Nam có hơn 1 tháng nhưng hầu như bà bán quà vặt nào trong cái chợ đầu hẻm cũng biết mình. Rồi mình quay trở về Mỹ vào tuần thứ 31 để chuẩn bị sinh con. Mình được phép đi máy bay bởi vì có giấy xác nhận của bác sĩ khám thai cả ở Việt Nam và cả ở Mỹ về việc thai phụ hoàn toàn đủ sức khỏe để di chuyển giữa hai nước”.

Tuần thứ 34 đi khám thai ở Mỹ, cân nặng của mỗi bé nặng khoảng 2,5kg. Đến tuần thứ 35, chị Thiên Kim nhận được chỉ định của bác sĩ sẽ mổ vào tuần sau đó, khi thai được 36 tuần 5 ngày. “Lúc đó mình nhớ y tá siêu âm xong và vợ chồng mình ngồi chờ bác sĩ vào nói chuyện. Mới đầu, bác sĩ nói con ổn và hỏi mình đã lấy hẹn cho kỳ sinh chưa. Mình ngạc nhiên vì ngày dự sinh của mình là 3 tháng 11 mà khi ấy mới cuối tháng 9. Mình hỏi đi hỏi lại bác sĩ, bà vẫn khăng khăng bảo nhất định phải mổ sớm vào tuần sau, mọi ca sinh đôi đều phải mổ sớm hơn dự định”.

 

Hai bé Annie và Sophie nay đã hơn 1 tuổi, trộm vía luôn như hai thiên thần nhỏ mang đến niềm vui bất tận cho gia đình.

Trên đường về, chị Thiên Kim đã khóc vì lo lắng khi em bé còn quá nhỏ, mẹ muốn giữ thêm con ở lâu hơn trong bụng cũng không được. Dường như vị bác sĩ rất hiểu nỗi lòng của chị nên đã gọi điện luôn cho chị vào lúc đó. Bà trấn an chị rằng việc có thai sinh đôi mổ bắt con ra sớm hơn những em bé sinh 1, đó là điều hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng gì cả. Hơn thế, chị Thiên Kim mang thai đôi, 1 bánh nhau 2 túi ối nên càng phải bắt ra sớm vì nếu giữ bé càng lâu trong bụng, đến khi bánh nhau già sẽ hút lại chất từ em bé, hoặc có trường hợp một bé sẽ hút chất dinh dưỡng của bé còn lại dẫn đến một bé lớn và 1 bé nhỏ, nghiêm trọng có thể mất 1 bé.

Nhờ sự giải thích và động viên kịp thời từ bác sĩ, chị Thiên Kim đã hoàn toàn yên tâm bước vào ca sinh mổ khi mới hơn 36 tuần. Cuối cùng, mọi thứ cũng đã diễn ra một cách hoàn hảo và mang lại cho chị một trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên. Hai bé hiện nay đã được 1 tuổi, lớn lên trộm vía rất ngoan ngoãn và xinh xắn như hai thiên thần nhỏ đối với gia đình chị Thiên Kim.

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *