“Anh sợ bị nhồi sọ lắm rồi, anh không muốn tin nữa, và rất mong muốn được nghe thông tin hai chiều”. Một người bạn nói khi cho tôi xem 1 bài viết với cái tựa rất kêu: Sự Bóc Lột Khủng Khiếp ở Xứ Người, tâm sự của một Việt Kiều Mỹ.

Tôi đọc bài viết và thấy buồn cười, hệt như dạo nọ họ Kim ở Bắc Hàn cho đăng bài viết người Mỹ bị bóc lột, sống khổ sở vậy. Cái đứa tôi giật mình, thứ rác rưởi này, đến tận ngày hôm nay, vẫn còn có thể được nhồi vào sọ lớp trẻ?

Trước tiên, tôi muốn nhắc lại 1 câu nói cửa miệng của nhiều người: Nếu cái cột điện mà đi Mỹ được, nó cũng bứng gốc mà đi. Và đây là thực tế suốt gần 100 năm nay ở Hoa Kỳ: vấn nạn di dân ồ ạt, của mọi sắc dân trên toàn thế giới.

Bài viết nói nhiều về vấn đề tiền nong. Than ở Mỹ phải làm nhiều giờ, ra về mệt mỏi, không thời gian cho bản thân và gia đình. Nhưng cũng khẳng định luôn là không ai ép phải làm nhiều, đi làm nhiều là vì bản thân muốn có mọi thứ (!!?)

Bất cứ ở đâu trên quả đất này, con người cũng phải lao động để sống. 1 ngày 8 tiếng và thời gian lái xe. Nhưng ở Mỹ (và một số nước phát triển), người dân thành lập những tổ chức, nôm na là công đoàn, để bảo vệ quyền lợi người lao động ở mức tốt nhất mà 1 đất nước có thể bảo vệ. Và những quy định về quyền lợi của người lao động trở thành pháp luật. Ai không tuân theo là phạm pháp và sẽ bị truy tố ra toà, phải bồi thường và các án phạt khác. Một vài quyền lợi mà người lao động ở Mỹ được hưởng:

1. Tất cả mọi doanh nghiệp đều BẮT BUỘC phải đăng posters của chính phủ về các quyền công nhân được hưởng, đi kèm với mức lương tối thiểu. Để nếu doanh nghiệp có làm sai, người làm công hiểu rõ mình bị lạm dụng, và sẽ phải gọi số điện thoại hot-line có sẵn trên poster để trình báo.

2. Doanh nghiệp BẮT BUỘC phải mua bảo hiểm lao động cho người làm công. Mọi tai nạn tại sở làm đều phải được bồi thường (rất khá) theo phán quyết của toà án (nếu bị kiện ra toà).

3. Nhà nước quy định mức lương tối thiểu mà người làm phải được hưởng ((hiện tại là $8/hr và sắp lên $9/hr vào tháng sau), và quy định luôn số tiền vượt trội nếu phải làm ngoài giờ. Thường là gấp rưỡi cho đến gấp đôi. $8 ở đây tương đương với gì? Tương đương với 1 bữa ăn trung bình (1 tô phở) trong nhà hàng trung bình. 1 bữa ăn đầy đủ với bánh hamburger Big Mac, khoai tây chiên, và nước soda cũng chưa tới giá này. Điều đó nghĩa là chỉ vỏn vẹn 2 giờ làm mỗi ngày, 1 người với mức lương lao động TỐI THIỂU đã không còn lo bị đói, nếu ăn nhà hàng mỗi ngày … 2 bữa! Và xin nhắc lại, lương ngoài giờ là từ gấp rưỡi đến gấp đôi lương căn bản.

4. Nhà nước CẤM sử dụng lao động trẻ em (dưới 16 tuổi), và trẻ em từ 16 – 18 tuổi không được làm quá 20 tiếng 1 tuần, khi làm phải có sự đồng ý của cả phụ huynh và … nhà trường (vì các em vẫn còn đang ở tuổi bắt buộc phải đi học).

5. Nhà nước bắt doanh nghiệp phải đóng góp 1 phần vào quỹ thất nghiệp, để nhà nước trả tiền thất nghiệp (lên đến 12 tháng) cho người lao động khi họ mất việc làm. Và doanh nghiệp cũng phải đóng góp 1 phần vào quỹ hưu trí, để nhà nước trả lương hưu cho người lao động khi họ về hưu.

6. Nhà nước buộc doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định về an toàn lao động đối với người làm công, (phải có các dụng cụ, thiết bị bảo hộ, các dụng cụ, thiếu bị này phải được kiểm tra và bảo trì định kỳ bởi những công ty đạt chuẩn, họ đến, kiểm tra, bảo trì, và dán nhãn cho biết thiết bị còn tốt). Chính phủ gởi nhân viên đến kiểm tra các nhãn bảo trì xem doanh nghiệp có bảo trì thiết bị bảo hộ lao động của mình theo quy định hay không.

7. Nhà nước chịu trách nhiệm buộc các bên liên quan chu cấp trọn đời cho người lao động nếu chẳng may tai nạn khiến người lao động mất sức làm vĩnh viễn. Nếu ko thể buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ chu cấp, nhà nước sẽ phải đứng ra làm nghĩa vụ chu cấp thay.

Đó là 1 ít quyền lợi tối thiểu, và nếu anh không muốn bị bóc lột, thì anh … đừng đi làm, ở không và … bóc lột ngược lại nước Mỹ với các trợ cấp an sinh xã hội như phiếu thực phẩm miễn phí, bảo hiểm sức khoẻ miễn phí, cung cấp nơi ở miễn phí, cho đi học nghề miễn phí, thậm chí tài trợ tiền mặt trong nhiều trường hợp. Nước Mỹ mỗi năm phải oằn mình chi 1 khoản lớn ngân khoản cho 1 số khá đông công dân … không thích đi làm này.

Bài viết còn than chút ít đến bảo hiểm sức khoẻ và vật giá quá cao. Khiến có người mắc bệnh mà không dám chữa, mang bệnh đến chết vì ko chịu nổi tiền thuốc men. Ở Mỹ, chữa xong mới lấy tiền.

Nên nếu anh mang bệnh mà cần chữa và không có tiền, anh vẫn sẽ được chữa. Chữa xong anh khai khánh tận (phá sản), và không ai có quyền đòi tiền anh nữa. Bài viết than rau muống mắc, đến $8/ký, xin thưa, thì đừng ăn rau muống. Ăn thức ăn bản địa vừa tươi, vừa rẻ. Ăn làm gì thứ thức ăn phải nhập từ 1 vùng khí hậu khác về lại Mỹ rồi than mắc mỏ? Mà $8 chỉ tương đương 1 giờ làm, kể ra cũng chả mắc mỏ là bao nhiêu, mà đã bị than lên than xuống như thể phải để dành cả ngày lương mới ăn được.

Bài viết than về cái bẫy “thẻ tín dụng” để tròng nợ nần vào cổ người dân. Xin thưa, vậy thì đừng mượn nợ thẻ để xài. Hãy chỉ tiêu xài số tiền mình kiếm ra được, thì sẽ không phải than: tại sao ông cà chớn vậy? Ông lại cứ … đem tiền cho tôi mượn là thế lào?? Và, một lần nữa, ở Mỹ có luật khánh tận. Nhiều người mượn tín dụng lên đến $50ngàn đô la, xài xong, khai khánh tận, và không phải trả lại 1 xu nào. Nói thẳng ra là quỵt nợ thẻ tín dụng. Và tất nhiên, khi anh quỵt thì ko ai cho anh mượn lại, tín dụng của anh là tồi tệ … trong vòng 7 năm. 7 năm sau anh lại vẫn cứ đường hoàng mà … mượn tiếp.

Bài viết còn than thực phẩm đông lạnh. Vậy tại sao anh không chịu mua đồ tươi? chỉ mắc hơn 50xu đến $1 cho mỗi pound thôi! Và thưa, việc đông lạnh đồ ăn cũng phải theo chuẩn của cơ quan an toàn thực phẩm. Và người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm là đồ ăn được bảo quản bằng phương thức đông lạnh, chứ ko phải đổ cả đống hoá chất bảo quản gây ung thư (để khỏi phải tốn tiền thiết bị đông lạnh, kho lạnh, vận chuyển bằng xe lạnh …v.v..).

Bài viết than về chuyện mua nhà, phải trả lãi, rồi khi mua nhà, anh phải mua đồ nội thất, cái gì cũng rất đắt đỏ. Thì xin thưa … không có tiền … đừng mua! Ai dí súng vào đầu anh bắt phải mua 1 căn nhà riêng cho bản thân và gia đình, rồi mua đồ gia dụng, nội thất, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, giường nệm ..v.v.. đâu! Đối với nhiều quốc gia, trong đó có VN, việc có được 1 căn nhà là mơ ước của nhiều thế hệ. Nhiều người không dám nghĩ đến chuyện đó. Nhiều căn nhà phải ở chui rúc nhiều gia đình vì người ta không có đủ khả năng để sắm riêng cho gia đình mình 1 căn hộ. Người ta cho anh vay tiền để mua nhà (1 khoản cho vay rất lớn), anh lại than sao phân lời (chỉ khoảng 5% 1 năm) cao thế??? Thế anh muốn sao? Mua nhà mà không phải trả tiền? Hay vay tiền mà không phải trả lời?

Giá nhà ở Mỹ mắc không? Giá mỗi vùng mỗi khác, nhưng giá nhà trung bình trên toàn quốc vào thời điểm hiện tại là $280 ngàn đô cho 1 căn hộ 3 phòng. Mức lương trung bình của 1 kỹ sư là $65 ngàn đô/năm, thợ làm móng tay thì trung bình khoảng $40 ngàn đô/năm quý vị tự nghĩ xem nhà cửa ở Mỹ có mắc không?

Nước Mỹ được xếp hàng thứ 3 về điều kiện sống tốt trên khắp quả đất, sau Úc và Đan Mạch. Và khi nói về điều kiện sống, người ta nói về nhiều thứ chứ không chỉ riêng có tiền nong.

Thật buồn cho dân tôi, đã thoát VN, mà tư duy vẫn bị nhốt trong cái lồng cơm áo gạo tiền. Nói như cố nhà thơ Chế Lan Viên là:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Chữ “con” ở đây nghĩa là cỏn con, bé nhỏ. Đã thoát được VN mà chỉ dám nghĩ hạnh phúc là 1 tà áo đẹp, 1 miếng ăn ngon, 1 mái nhà yên.

Nước Mỹ mang lại cho công dân của nó nhiều hơn thế! Rất nhiều hơn thế!!

Nước Mỹ mang lại cho công dân của nó 1 môi trường thiên nhiên trong sạch, nơi người ta chỉ cần du lịch nội địa để tận hưởng những cuộc vui chơi bậc nhất thế giới. Đến các nơi xa hoa như Las Vegas, New York, Chicago, hay miền thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẻ hoang sơ của nó từ 200 năm trước, khi người Mỹ mới đặt chân đến vùng đất này.

Nước Mỹ mang lại cho công dân của nó 1 nền y tế tân tiến nhất thế giới, nơi người ta có thể kỳ vọng nhiều nhất vào việc phó thác sinh mạng mình trong tay đội ngũ y bác sỹ.

Nước Mỹ được mệnh danh là mảnh đất của cơ hội. Nơi mời gọi và dung dưỡng tài năng của thế giới. Nơi đảm bảo cho những nghệ sỹ tài năng không phải chết nghèo đói, và những nhà khoa học có thể cống hiến cuộc đời cho nhân loại. Nhiều người tài tìm đến Mỹ vì đặc thù này, cho bản thân, hoặc cho con cháu.

Nước Mỹ mang lại cho công dân của nó 1 hệ thống giáo dục bậc nhất thế giới. Không nặng về kiến thức hàn lâm, nhưng lại vô cùng hữu dụng. Họ dạy trẻ con phải tự tin trước cuộc sống, phải độc lập, trong cả cuộc sống lẫn tư duy, phải biết tìm hiểu, phải hiếu kỳ. Họ dạy trẻ con phải sáng tạo, phải khoẻ mạnh, phải vui chơi. Họ dạy trẻ con phải biết yêu thiên nhiên, không lãng phí tài nguyên của mẹ trái đất. Họ dạy trẻ con phải biết thứ tha, phải nhân bản. Nước Mỹ dạy trẻ con phải biết nhận lỗi, phải công bằng. Cấm không được phân biệt đối xử trên mọi hình thức (và đây là luật pháp). Nước Mỹ dạy trẻ con phải bao dung.

Và sau cùng, nước Mỹ cho con cái chúng ta 1 môi trường sống mà ở đó chúng có thể nói: Mẹ ơi, một ngày kia, con sẽ làm thay đổi cả thế giới!

Chính những điều này tạo nên 1 nước Mỹ, dù là đống tạp nham hổ lốn của nhiều chủng tộc, đủ thứ văn hoá, đủ kiểu tư duy, vẫn văn minh bậc nhất, vẫn hùng mạnh, và giàu có bậc nhất thế giới. Nước Mỹ đã, đang, và sẽ là đích đến của rất nhiều sắc dân trên trái đất này.

God bless America!
Tham khảo bài viết gốc, tôi nghĩ các bác cuồng CS nên dẹp quách đi cho đời đỡ ung mủ.

(fb Nancy Nguyen)

Bài gốc:
“Việt kiều ở Mỹ là ‘tù khổ sai’!

Hàng ngày, trên khắp đất nước Việt Nam, vẫn có rất nhiều người mòn mỏi chờ đợi được đến với vùng đất hứa: nước Mỹ.

Người nghèo nước Mỹ sống như thế nào? Lý do người Việt bị kì thị, sỉ nhục ở nước ngoài

Nhìn bề ngoài, bạn có tất cả, nhưng thật ra bạn chẳng có gì cả. Tất cả đều là nợ, bạn phải trả cho chính phủ cả đời. Qua bài viết của Danny Nguyen, trên một tờ báo về du học, chúng ta có thể thấy rõ ràng khuôn mặt thật của nước Mỹ cũng như cuộc sống đầu tắt, mặt tối của hầu hết Việt kiều ở đó.

Nhìn bề ngoài, bạn có tất cả, nhưng thật ra bạn chẳng có gì cả. Tất cả đều là nợ, bạn phải trả cho chính phủ cả đời.

“Dù ở Việt Nam bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay hơn thế nữa, nhưng khi tới Mỹ thì bạn như là người mù chữ. Việc tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp đã học ở Việt Nam sẽ là điều không thể, vì vậy khi đặt chân tới mảnh đất thiên đường này, việc bạn phải trở thành thành phần lao động chân tay sẽ là điều tất yếu.

Đối với thành phần lao động này ở Mỹ thì phải nói là vô cùng vất vả. Tất nhiên, ở Mỹ không ai ép buộc mình phải làm việc nhiều giờ cả, nhưng vì cuộc sống và bạn muốn có tất cả mọi thứ nên phải làm việc cộng lái xe 11-13 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Với mức vật giá đồ ăn người Việt ưa thích tương đối đắt đỏ: 8 USD cho một kg rau muống, 1,29 USD cho 3 nhánh sả hoặc rau thơm các loại, 12 USD một kg nhãn tươi, 3,99 USD một trái đu đủ, hoặc thơm, 20 USD cho một hộp chôm chôm 36 trái… thì với mức lương khiêm tốn 1500-2500 USD/tháng chưa xài đã hết. Vì vậy đa số thành phần lao động chi tiêu hết sức tiết kiệm và dĩ nhiên là rất nhiều người không dám bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm ở Mỹ rất mắc. Ngay bản thân tôi, gia đình gồm 8 người và nhiều bạn bè của tôi hầu như không ai có bảo hiểm. Cũng vì điều này nên tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Chẳng may bạn mắc bệnh, đi khám bác sỹ dù bác sĩ không chữa được bệnh cho bạn nhưng cũng lấy 120-150 USD và bác sĩ đó giới thiệu tới một bác sĩ khác mà bác sĩ đó cũng bó tay luôn thì cũng lấy một khoảng tương tự. Ở Mỹ chữa bệnh vô cùng đắt đỏ, một ca phẫu thuật nhiều khi trả cả đời không hết. Cũng vì lý do này nên nhiều người dù mang bệnh trong người nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên cứ chịu đựng để lâu ngày dẫn đến bệnh nặng và tử vong cũng là chuyện thường xảy ra.

Hầu hết ở Mỹ ai cũng phải làm việc nhiều giờ, nên không còn thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Đi làm về đến nhà đã đau nhừ toàn thân, ăn cũng không muốn ăn chứ đừng nói là làm cơm tối cho gia đình và tất nhiên là cũng chẳng còn mặn mà tới chuyện chăn gối nữa vì phải giữ sức để mai đi cày.

Đối với chị em, khi đến Mỹ cứ nghĩ mình là số một, nhưng tôi thấy chị em chẳng sung sướng tí nào cả. Nhiều khi họ còn phải làm việc vất vả hơn cánh đàn ông ấy chứ. Chỉ đơn cử việc sinh đẻ thôi cũng đã là một thiệt thòi lớn. Thông thường ở Mỹ sau khi sinh, chỉ ở lại bệnh viện 48 giờ. Chồng thì cũng chỉ nghỉ 2-3 ngày sau đó là chị em phải tự lo cho bản thân và con nhỏ, 1-2 tuần nhiều lắm là 4 tuần lại phải đi làm. Con nhỏ chưa đầy tháng tuổi phải gửi trẻ 11-12 giờ/ngày. Nhiều khi nhìn con còn quá bé mà phải đưa đi gửi cả ngày ứa cả nước mắt, nhưng biết làm sao bây giờ. Nghỉ ở nhà để lo cho con ư? Lấy tiền đâu ra để mà sống? Ai lo cho đống hóa đơn hàng tháng? Đến khi con đi học thì cả tuần không thấy mặt con ấy chứ.

Ở Mỹ, hầu hết thực phẩm đều là đông lạnh có khi hàng tháng. Đồ ăn thì nấu một lần cho 2-3 ngày. Ăn thì chẳng bao giờ đúng bữa, mà cũng chẳng còn kịp nhai nữa, nuốt cho đầy bụng để mà làm việc. Bữa sáng thì ăn ở trên xe, bữa trưa thì ăn ở chỗ làm, rỗi lúc nào thì ăn lúc đó, nhiều hôm bận quá chẳng có thời gian để mà ăn phải uống sữa trừ cơm. Rất nhiều hôm bữa tối, cơm canh đổ đầy một tô, hâm nóng bằng lò vi sóng, chồng lái xe vợ vừa ăn vừa đút cho chồng ăn vội vã tới đón con kẻo trễ, bảo mẫu than phiền. Đọc đến đây thôi thì nhiều bạn đã đặt câu hỏi: Tại sao không về Việt Nam mà sống?

Xin thưa với các bạn, có rất nhiều nguyên nhân.

Khi đi thì tìm mọi cách đi cho bằng được giờ về sợ xấu hổ, con cái học hành dở dang, khả năng kinh tế không cho phép, nhà ở Việt Nam giờ quá mắc. Nếu ngày xưa ai có nhà mặt phố bán để ra đi thì đừng bao giờ về tìm hiểu xem căn nhà đó bây giờ bao nhiêu, nếu không bạn sẽ không ngủ được đâu. Về Việt Nam lại phải bắt đầu lại từ đầu…

Riêng bản thân tôi thì, mình đã quá hèn mọn, không làm được gì cho dân tộc thôi thì hy sinh chút sức mọn này cho gia tộc. Chỉ mong những người thân trong gia tộc tôi nói riêng và những người ở Việt Nam có thân nhân ở nước ngoài nói chung thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà người con tha hương gửi về.

Mua nhà trả góp ở Mỹ rất dễ dàng. Nhưng theo sự hiểu biết của tôi thì bạn đã chui vào một cái bẫy tài chính hết sức tinh vi mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu tạo ra. Tại sao vậy? Vừa ký mua căn nhà thì bạn đã mất đi 6% giá trị của căn nhà cho “tiền môi giới”, mà nhiều người cho rằng người bán trả, nhưng theo tôi thì người mua đưa tiền cho người bán trả. Nếu không tin thì bạn bán ngay căn nhà vừa mua thì sẽ biết là mình mất bao nhiêu %. Chẳng hạn, bạn mua một căn nhà 400.000 USD, cứ cho là trả trước 100.000 USD thì ngân hàng phải trả cho chủ đầu tư 300.000 USD, tức bạn mượn 300.000 USD tiền mặt thế chấp bởi căn nhà với lãi suất 4,99-7,99 %/năm tùy tín dụng từng người. Bên cạnh đó, bạn phải trả thuế tài sản 1,75-4 %/năm tùy từng khu và thành phố mình ở.

Cũng vì những lý do kể trên, dù tôi đã ở Mỹ lâu năm nhưng tôi lại thuê phòng hoặc căn hộ để ở. Bao nhiêu tiền làm ra tôi đều đầu tư về Việt Nam, vừa xây dựng quê hương đất nước vừa thắng lợi lớn. Hiện tại, có những bất động sản của tôi ở Việt Nam đã lên giá 30 lần vì tôi mua từ năm 1998. Hàng tháng tôi vẫn có thu nhập từ tiền thuê nhà, còn hơn cả thu nhập ở Mỹ. Và nhất định một ngày không xa tôi sẽ về Việt Nam để sinh sống.

Theo cách nghĩ của riêng tôi, nếu như một ngày nào đó các bạn ở Việt Nam qua Mỹ để du lịch, thấy cuộc sống ở Mỹ quá hào nhoáng mà bỏ một triệu đô để mua đứt một căn nhà thì bạn đã thuộc thành phần đại gia. Mà đại gia thì sống ở Mỹ làm gì cho buồn mà chủ yếu là lo cho con cháu. Mà lo cho con cháu thì phải tính 20 -30 năm hay hơn thế nữa, thì bạn không chỉ bỏ một triệu, mà phải chuẩn bị thêm ngót nghét một triệu nữa để đóng thuế. Cho nên tôi thiết nghĩ, đại gia thì không dại gì đầu tư một cách thiếu khôn ngoan như vậy. Thà bỏ tiền ra làm từ thiện hay xây cho liệt tổ liệt tông một căn nhà thờ còn để lại tiếng thơm ngàn đời cho con cháu.

Thật ra thì còn nhiều điều phải nói lên nữa nhưng thời gian không cho phép và sự hiểu của tôi về xã hội Mỹ còn rất khiêm tốn. Qua đây cũng cầu xin những ai hiểu biết về xã hội Mỹ, đặc biệt là về khía cạnh luật sở hữu và thừa kế tài sản, hãy viết lên một bài để cộng đồng người Việt chúng ta ở nước ngoài có thêm kinh nghiệm để bảo toàn tài sản của mình”.

(Nguồn: Báo Mới)

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.