Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của nước Mỹ, cũng là ngôn ngữ quốc tế. Thế nên ai qua Mỹ cũng phải học tiếng Anh, biết tiếng Anh. Tuy nhiên, đây cũng là điều gây trở ngại rất nhiều cho người Việt mới nhập cư đến Hoa Kỳ, không chỉ với người lớn tuổi, mà những người trẻ tuổi cũng vất vả không kém.

Vậy thì tiếng Anh ảnh hưởng đến việc học hành, và sinh hoạt hằng ngày của giới trẻ ra sao?

Với các em từ 12 tuổi trở xuống, tiếng Anh không ảnh hưởng đến việc học hành nhiều lắm, dù nó vẫn đóng vai trò rất lớn trong việc hòa nhập vào một môi trường hoàn toàn mới.

Em Khương Trần, 8 tuổi, mới qua Mỹ hồi đầu năm 2017, đang tìm cách hòa nhập với các bạn cùng lớp, nhưng tiếng Anh chưa vững. Em đang học tại trường tiểu học Anderson Elementary tại Garden Grove.

“Em vô lớp không nói chuyện với các bạn được, tại tiếng Anh còn kém,” em Khương cho biết. “Lúc mới vào học, em sợ lắm, vì đâu biết các bạn nói gì.”

“Bây giờ, em biết nói tiếng Anh một chút rồi, nên các bạn trong lớp chơi với em được rồi,” Khương nói thêm.

Bà Cúc, mẹ của Khương, chia sẻ với phóng viên Người Việt trong lúc chờ con tan trường: “Hồi mới qua, chở nó đi học tôi lo lắng lắm. Nó đi học cứ khóc hoài.”

“Nhưng mới có sáu tháng thôi, mà giờ nó cũng biết tiếng Anh một chút rồi, cũng nói bập bẹ được. Nhờ vậy, nó vô trường không bị bạn cùng lứa xa lánh. Mà phải nói là bọn trẻ tiếp thu nhanh quá, mới có mấy tháng mà nó học được như mình học cả năm trời,” bà Cúc vui vẻ nói.

Quả thật, sự tiếp thu Anh ngữ một cách nhanh chóng ở các em nhỏ tuổi góp phần rất lớn trong việc giúp các em hòa nhập với chúng bạn.

Với các em lớn tuổi hơn một chút thì sao?

Em Tuấn Lê, 12 tuổi, học sinh của trung học đệ nhất cấp Warner Middle School tại thành phố Westminster, rất vui vì sự tiến bộ trong tiếng Anh của mình, dù chỉ mới qua Mỹ có một năm.

“Em không biết các bạn khác học ra sao, nhưng em thấy tiếng Anh của em khá hơn nhiều lắm rồi. Hồi mới nhập học, ai nói gì em cũng ‘yeah, yeah’ cho qua chuyện. Cũng may là các thầy cô rất tốt với em, họ dạy em tiếng Anh rất kỹ,” Tuấn cho biết.

Em kể thêm: “Hôm kia, ông thầy dạy thể dục la em vì chuyện gì đó, em không biết cứ mà ‘yes, yes’ khiến thầy giận hơn. May là có thằng bạn nó nói với thầy giùm, không thì nhiều khi có nhiều chuyện rắc rối xảy ra.”

Em Trúc Nguyễn, 16 tuổi, học sinh của trường trung học Westminster High School, kể về những ngày mới qua Mỹ của mình: “Lúc mới qua, em nói tiếng Anh giọng lớ lớ nên em cứ bị các bạn chọc nào là FOB (viết tắt cho Fresh of the Boat, tức là mới trên thuyền xuống), rồi còn bị chọc là BOBA (viết tắt cho Brought over by Airplane, nghĩa là được máy bay đem qua). Từ đó em toàn nói tiếng Anh với giọng này, nên khó mà sửa được.”

“Trong các lớp ESL của trường, em gặp rất nhiều bạn Việt Nam cũng như mình, tiếng Anh không vững. Bạn bè cùng cảnh ngộ nên dễ thông cảm với nhau. Đứa nào cũng buồn vì Anh Văn không giỏi nên ráng học nhiều,” em Trúc kể thêm.

Các trường từ tiểu học đến trung học có nhiều cách để giúp học sinh nhập cư bổ sung tiếng Anh, nhưng còn đại học thì sao?

Khi vào đại học, các sinh viên phải thi xếp lớp để trường đánh giá trình độ hai môn Anh Văn và Toán của mình. Các sinh viên Việt ở thường được xếp vào các lớp ESL, học hết các lớp này rồi mới được học các lớp tiếng Anh có liên quan đến chứng chỉ, hay để chuyển từ đại học cộng đồng lên đại học bốn năm.

Anh Trọng, 30 tuổi, sinh viên của đại học cộng đồng Golden West College, cho biết: “Học đại học thì ai cũng lo học, học xong rồi về, không phải lo hòa nhập gì hết. Nhưng việc yếu tiếng Anh ảnh hưởng đến việc học hành của tôi khá nhiều. Nhìn Toán trong tiếng Anh chả hiểu gì hết.”

“Ở tuổi tôi, học tiếng Anh thì được, nhưng khó mà sửa cái giọng lớ lớ của mình. Tôi cũng muốn học cho nhanh để còn chuyển lên đại học bốn năm, mà còn phải học nhiều lớp tiếng Anh quá, không biết bao giờ mới xong,” anh Trọng than thở.

Rào cản ngôn ngữ lúc nào cũng khó vượt qua, độ tuổi nào cũng đều có trở ngại riêng của mình. Tuổi nhỏ thì phải hòa nhập với bạn bè, người lớn thì phải lo học để còn tốt nghiệp. Khổ với cái tiếng Anh này quá, nhưng cứ phải cố gắng thôi chứ sao!

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *