Mỹ sắp triển khai 1.000 binh sĩ đến biên giới với Mexico để chặn đoàn người di cư Trung Mỹ.

1.000 quân chuẩn bị đến biên giới Mexico

Chính phủ Mỹ đứng ngồi không yên. Washington Post dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ cho biết ông Trump và các quan chức cấp cao nhiều lần họp khẩn bàn giải pháp hiệu quả chặn đoàn người di cư. Ưu tiên trước nhất của Mỹ là làm áp lực lên Mexico chặn đoàn người di cư nhưng ông Trump muốn một kế hoạch hiệu quả có thể ngăn chặn đoàn người không vào Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vài ngày trước khẳng định “họ sẽ không vào Mỹ một cách bất hợp pháp thành công dù thế nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Reuters dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ ngày 25-10 cho rằng khả năng lớn chính phủ Trump sẽ đưa khoảng 1.000 binh sĩ đến biên giới với Mexico để chặn đoàn người di cư. Trả lời phỏng vấn Fox News cùng ngày, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen cho biết Bộ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng giúp tăng an ninh biên giới. Và theo các nguồn tin của Reuters thì theo yêu cầu này, sẽ có 800-1.000 binh sĩ được triển khai đến biên giới.

Chỉ vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận trên Twitter: “Tôi sẽ triển khai quân đội trong tình huống khẩn cấp quốc gia này. Họ sẽ bị chặn lại”. Phương án triển khai quân đội đã được ông Trump đề cập ngay từ khi đoàn người di cư vừa vào biên giới Mexico, đồng thời đe dọa cắt viện trợ các nước Trung Mỹ nếu không hành động ngăn đoàn người này.

Chặn người nhập cư trái phép vào Mỹ qua biên giới Mexico là một cam kết tranh cử của ông Trump năm 2016. Ông Trump có hẳn một kế hoạch xây tường ngăn biên giới với Mexico, tuy nhiên việc thông qua vẫn đang bế tắc ở Quốc hội dù cả lưỡng viện đều do đảng Cộng hòa kiểm soát. Vì sốt ruột với sự bế tắc này mà tháng 4 vừa rồi, ông Trump đã chỉ đạo triển khai 2.100 vệ binh quốc gia đến tăng cường an ninh biên giới bốn bang giáp Mexico.

Đoàn người nhập cư bị chặn trên cây cầu biên giới Guatemala-Mexico. Ảnh: AFP
Đoàn người nhập cư bị chặn trên cây cầu biên giới Guatemala-Mexico. Ảnh: AFP
Nếu việc triển khai quân được thực hiện theo yêu cầu của Bộ An ninh nội địa thì đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ triển khai một lượng binh sĩ quy mô lớn thế này đến biên giới dưới thời ông Trump. Có thể hiểu ý ông Trump muốn số binh sĩ này sẽ trực tiếp chặn đoàn người di cư vào Mỹ. Tuy nhiên, luật liên bang Mỹ có từ những năm 1870 cấm sử dụng lực lượng binh sĩ thường trực bên trong nước Mỹ để thực thi công việc hành pháp trên đất Mỹ, trừ trường hợp đặc biệt Quốc hội cho phép. Một quan chức Mỹ nói với Reuters: Các binh sĩ này sẽ chỉ có chức năng thực hiện công tác hậu cần và hạ tầng, như dựng lều, không có quyền thực hiện các hoạt động hành pháp. Chưa rõ tại sao Mỹ lại triển khai binh sĩ, trong khi theo Fox News thì lực lượng vệ binh quốc gia cũng có chức năng này.

Nói với những người trong đoàn di cư hãy quay trở lại, chúng tôi sẽ không để mọi người vào Mỹ bất hợp pháp. Hãy trở về đất nước mình và nếu các bạn muốn, hãy làm thủ tục đề nghị cấp quyền công dân như hàng triệu người khác đang làm.

Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP

Ông Trump: Phải sửa luật!

Ngày 25-10, ông Trump phàn nàn “đảng Dân chủ đưa ra luật làm khó chúng ta chặn người xâm nhập biên giới”. Chính phủ Trump đổ lỗi luật pháp Mỹ quá mềm khi cho phép các gia đình Trung Mỹ ở lại trên đất Mỹ sau khi họ tràn vào tháng 4 vừa qua. Theo luật, các gia đình và các trẻ vị thành niên không có người đi kèm từ các nước không có biên giới với Mỹ có cơ hội được chấp nhận ở lại Mỹ cao hơn dân các nước có biên giới với Mỹ như Mexico, Canada. Trong hầu hết trường hợp, sau khi làm thủ tục xin tị nạn, họ được cho phép vào đất Mỹ trong thời gian chờ có quyết định có được tị nạn hay không. Tiến trình này có thể kéo dài đến hơn một năm.

Theo chính phủ Trump, giải pháp duy nhất trục xuất những người này là sửa luật. Ông Trump đầu tuần này cũng tiếp tục lên tiếng giải pháp giải quyết triệt để chuyện nhập cư trái phép là Quốc hội vào cuộc sửa luật.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đang cố đẩy tầm nghiêm trọng của chuyện đoàn người di cư và chuyện nhập cư trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, khi đảng Cộng hòa đang cố gắng giữ quyền kiểm soát Quốc hội. Bà Amy Pope, phó cố vấn an ninh nội địa chính phủ Obama điều phối phản ứng với các tình huống nhập cư trái phép, cho rằng phản ứng của ông Trump lúc này phần nhiều mang yếu tố chính trị, trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ đang tới. Theo bà, đoàn người di cư Trung Mỹ không phải là đe dọa an ninh quốc gia, giải pháp tốt nhất là làm việc với Mexico tìm cách quản lý danh tính của những người xin tị nạn.

Đoàn người di cư vào biên giới Mexico ngày 19-10. Ngày 25-10, dòng người di cư đã đến TP Mapastepec, bang Chiapas của Mexico và tiếp tục hướng về biên giới với Mỹ. Quan chức Mexico ước tính đoàn di cư khoảng 5.300 người tại TP Mapastepec tối 24-10, trong khi theo ước tính của Liên Hiệp Quốc là hơn 7.000 người, phần lớn là người Honduras muốn rời bỏ nghèo đói và bạo lực. Đoàn người còn cách biên giới với Mỹ khoảng 1.600 km. Đầu tuần này, tại Honduras tiếp tục xuất hiện thêm một đoàn người di cư mới với quy mô hơn 2.000 người, sẽ đến Mexico vài ngày tới và tiến về Mỹ. Đoàn người chủ yếu đi bộ, nhiều người chỉ mang dép. Họ di chuyển theo từng nhóm để bảo vệ nhau, sợ bị tấn công hoặc bị trục xuất ra lại nếu đón xe buýt hoặc tàu lửa.

*****

Đồng USD bị thách thức

Niềm tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng sử dụng đồng USD như một vũ khí chống lại các quốc gia đối thủ và đồng minh cứng đầu có nguy cơ phản tác dụng

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty châu Âu “tháo chạy khỏi Iran” sau khi quốc gia này bị Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, Washington có thể bị cám dỗ bởi chuyện phớt lờ những nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran của châu Âu. Tuy nhiên, sẽ khôn ngoan hơn nếu họ chống lại cám dỗ này.

Một kế hoạch mới của Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga về việc tạo ra hạ tầng tài chính đặc biệt để giao dịch với Iran có thể là thách thức đáng kể đối với sự thống trị toàn cầu lâu nay của đồng USD. Bà Federica Mogherini, quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), vào tháng rồi nói về kế hoạch tạo ra “một phương tiện đặc biệt” để giao thương với Iran. Cụ thể, các nước thành viên EU sẽ thành lập một thực thể pháp lý để tạo điều kiện cho những giao dịch tài chính hợp pháp với Iran. Điều này sẽ cho phép các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Tehran. Các chi tiết của kế hoạch vẫn đang được bàn thảo nhưng những phát biểu này phần nào cho thấy nó được tiến hành ra sao.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt sau khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Chúng khiến cho việc giao thương giữa bất kỳ thực thể nào liên quan đến Mỹ và Iran gần như là bất khả thi. Cái giá phải trả cho việc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ là rất cao. Hồi năm 2015, Ngân hàng BNP Paribas SA của Pháp phải nộp phạt gần 9 tỉ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, Cuba và Sudan. Washington cũng phớt lờ phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Pháp đối với mức phạt mạnh tay này.

Các biện pháp trừng phạt Iran đã trở lại, khiến các giao dịch trong tương lai giữa Tehran với châu Âu (cũng như Trung Quốc và Nga) đều phải được thực hiện thông qua các thực thể không liên quan gì đến hệ thống tài chính Mỹ. Trong một báo cáo hồi tháng 7-2018, ông Axel Hellman – thuộc tổ chức Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN) và Esfandyar Batmanghelidj, nhà sáng lập Công ty Truyền thông Bourse & Bazaar (Anh), đã đề xuất thành lập “một kiến trúc ngân hàng mới” để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ. Kiến trúc này dựa vào hệ thống hiện hữu của các ngân hàng không hoạt động ở Mỹ và chỉ tập trung làm ăn với Iran, như Ngân hàng Iran – châu Âu (trụ sở TP Hamburg – Đức) và chi nhánh tại châu Âu của các ngân hàng tư nhân Iran.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa kêu gọi biến euro thành đồng tiền toàn cầu để thách thức đồng USD Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa kêu gọi biến euro thành đồng tiền toàn cầu để thách thức đồng USD Ảnh: REUTERS

Kế hoạch mới của châu Âu dường như tập trung vào phương án này. Bà Mogherini cho biết Đức, Pháp, Anh sẽ thiết lập một hệ thống tài chính trung gian đa quốc gia được nhà nước hậu thuẫn để hỗ trợ các công ty châu Âu muốn làm ăn với Tehran và cả những đối tác ở Iran. Những giao dịch này, nhiều khả năng sẽ được thực hiện bằng đồng euro và bảng Anh, sẽ không được công khai với giới chức Mỹ. Về mặt kỹ thuật, các công ty châu Âu giao dịch với hệ thống tài chính trung gian này thậm chí không vi phạm các biện pháp trừng phạt hiện hữu của Mỹ. Hệ thống này nhiều khả năng sẽ để mở với cả Nga và Trung Quốc. Điều châu Âu cần làm là cung cấp một hạ tầng hợp pháp, an toàn và bảo đảm những giao dịch không được trình báo cho Mỹ.

Khi đó, việc trừng phạt hệ thống đặc biệt nêu trên là vô ích bởi Mỹ không thể biết được ai giao dịch với nó và vì sao. Tất cả những gì Washington có thể làm là trừng phạt ngân hàng trung ương của các nước tham gia hoặc Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) với cáo buộc hỗ trợ các giao dịch (nếu hệ thống tài chính trung gian đặc biệt sử dụng SWIFT). Một động thái như thế sẽ chỉ khiến Mỹ tự chuốc lấy thất bại bởi nó không những để lại hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính Mỹ mà còn khiến châu Âu đẩy nhanh “nỗ lực” tạo ra một kiến trúc ngân hàng có khả năng chống chọi các biện pháp trừng phạt nói chung của Mỹ.

Việc tạo ra một “kiến trúc ngân hàng có thể bảo vệ được” cũng có thể là mục tiêu cuối cùng của châu Âu lẫn Nga và Trung Quốc. Iran chính là cái cớ thuận tiện để châu Âu, Nga và Trung Quốc hợp tác thực hiện mục tiêu: Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong số ít vấn đề khiến EU, Trung Quốc và Nga bắt tay đối đầu Mỹ. Dù vậy, nỗ lực xóa bỏ sự thống trị toàn cầu của USD rốt cuộc không phải chỉ vì Iran.

Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu hồi tháng rồi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi biến euro thành đồng tiền toàn cầu để thách thức đồng USD. Trung Quốc và Nga từ lâu cũng mong muốn thực hiện điều tương tự. Tuy nhiên, chỉ khi hợp tác với châu Âu – nơi hiện có lượng dự trữ tiền tệ nhiều thứ hai thế giới, Bắc Kinh và Moscow mới có cơ hội thách thức sự thống trị của Mỹ.

Lịch sử cho thấy không đồng tiền nào thống trị toàn cầu mãi và không có lý do gì để đồng USD là trường hợp ngoại lệ. Niềm tin của Tổng thống Donald Trump về khả năng sử dụng USD như một vũ khí chống lại các quốc gia đối thủ và đồng minh cứng đầu có nguy cơ phản tác dụng bởi đang có những nỗ lực ngày một nghiêm túc nhằm lật đổ vị thế của đồng tiền này.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
%d bloggers like this: