Cất mọi khoản tiền có được vào tài khoản tiết kiệm không phải là lựa chọn tối ưu. Bạn sẽ bỏ lỡ vô số cơ hội “tăng tiến” tài sản.

“Tăng tích lũy, giảm chi tiêu” là câu cửa miệng mà mọi chuyên gia tài chính cá nhân vẫn nói với bạn, thế nhưng có một dòng gạch chân mà họ thường xuyên bỏ qua, hoặc bạn thường xuyên quên mất.

Tiết kiệm tiền rất quan trọng, chắc chắn như vậy. Thậm chí đã có hẳn công thức để tính ra số tiền lý tưởng mà bạn cần tích lũy được trong từng giai đoạn cụ thể của cuộc đời.

Việc không có tài khoản tiết kiệm tiền mặt để thanh toán các khoản tiêu đột xuất là một sai lầm lớn trong tài chính cá nhân. Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy 47% người Mỹ không chi trả nổi những khoản chi phát sinh trên 400 USD nếu không vay tiền bạn bè, người thân.

Thế nhưng ở thái cực đối lập, việc tích trữ quá nhiều tiền trong quỹ khẩn cấp cũng không có lợi, trang Montley’s Fool phân tích.

Không biết làm gì tiếp theo

Ý nghĩa của quỹ khẩn cấp là bạn có thể tiếp cận ngay nguồn tiền mặt khi có một khoản tiêu ngoài kế hoạch. Vì lý do này, đa phần quỹ khẩn cấp đang tồn tại dưới dạng tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Vấn đề là lãi suất ngân hàng hiện nay rất thấp, đồng nghĩa với việc tiền gửi ngân hàng khó có thể sinh sôi.

Lấy thí dụ, kể cả khi bạn gửi được 400 triệu đồng vào ngân hàng, với lãi suất trung bình chỉ khoảng 6% hiện nay, thì sau 5 năm, tài khoản của bạn cũng chỉ “phình” lên được mức 530 triệu đồng.

Nếu như bạn làm riêng và có thu nhập không ổn định, thì việc sở hữu quỹ khẩn cấp tương đương với 9 tháng thu nhập là hợp lý. Tương tự, nếu như bạn có vài đứa con và đang vay cầm cố ngân hàng, bạn là trụ cột kiếm tiền trong gia đình, bạn có thể muốn “phòng hộ” nhiều hơn. Trong trường hợp này, mức 15 tháng thu nhập được coi là đã đủ an toàn.

Tuy nhiên, nếu như cả hai vợ chồng cùng đi làm, chỗ làm có thu nhập tương đối ổn định thì bạn không cần phải dự phòng quá nhiều tiền trong ngân hàng. Mức 1 năm thu nhập sẽ là quá thừa thãi, Montley’s Fool nhấn mạnh.

Không chỉ là thừa thãi, một số nhà tư vấn tài chính còn cho rằng việc “ôm quá nhiều tiền” là lợi bất cấp hại.

“Bạn đang cản trở hành trình làm giàu của chính mình”, Katie Brewer, nhà sáng lập hãng tư vấn tài chính Your Richest Life cảnh báo. “Một vấn đề thường gặp ở những người có quá nhiều tiền để dành là họ không biết làm gì tiếp theo với chúng”.

Trong khi đó, trang Get Rich Slowly đưa ra lời khuyên dứt khoát: “Có quá nhiều tiền trong quỹ khẩn cấp? Tiêu ngay”.

Chỉ ra một nguyên nhân khiến nhiều người thích tích lũy nhiều tiền mặt, trang này nói rằng rất nhiều người cảm thấy an tâm và “an toàn” hơn khi tài khoản tiết kiệm của họ ngày càng dày. Nhiều người thậm chí cất tới 2 năm thu nhập trong quỹ khẩn cấp.

Thế nào là đủ?

Có chung quan điểm, chuyên gia Mary Beth Storjohann, nhà sáng lập của Workable Wealth đưa ra một “nguyên tắc vàng” để người dùng xác định khi nào mình đã đạt đến ngưỡng tích lũy tối ưu.

Nếu như khoản tiền bạn dành dụm được đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt, mua sắm (trừ nhà, xe) trong tối thiểu 6 tháng, bạn có thể “yên tâm”.

“6 tháng là dự phòng thời gian bạn có thể tìm được công việc mới”, bà Storjohann giải thích. Do đó, số tiền dôi ra sau khi đã cất đủ thu nhập 6 tháng vào quỹ khẩn cấp nên được dùng vào mục đích đầu tư sinh lời. Nếu lựa chọn những dự án đầu tư tốt, tỷ lệ sinh lời có thể lên tới 10 – 30%/năm.

“Chỉ có như vậy, tài sản của bạn mới tăng tiến”, Montley’s Fool khẳng định. Còn nếu không, với tốc độ trượt giá, 520 triệu đồng của 5 năm sau cũng không có giá trị nhiều hơn là mấy so với khoản 400 triệu hiện tại.

“Nếu không phải gánh vác những khoản tiêu lớn như trả nợ hay mua nhà, xe, bất cứ khoản tiền nào kiếm được cũng nên tái đầu tư. Chìa khóa là phải cân bằng hài hòa giữa tài khoản tiết kiệm và vốn đầu tư”, trang này khuyến nghị.

Một số lựa chọn đầu tư tốt là bảo hiểm tích lũy lương hưu, thị trường chứng khoán hoặc bất động sản. Hùn vốn kinh doanh là lựa chọn mạo hiểm, nhưng tỷ lệ sinh lời lại hấp dẫn.

Ngoài ra, bất động sản cũng là một lựa chọn hay, nhất là tại châu Á. Phù thủy đầu tư Warren Buffett đã từng nhiều lần đưa ra lời khuyên về việc nên mua và sở hữu nhà.

Theo ông, bất động sản là một loại tài sản có giá trị “với rất nhiều người”, nhất là với các hộ gia đình có ý định ở lâu dài ở một nơi.

Buffett đã chấp nhận vay thế chấp thời hạn 30 năm để mua một căn nhà tại Laguna Beach, California vào năm 1971 với giá 150.000 USD. Hiện tại, ông đang rao bán nó với giá 11 triệu USD. “Khi ấy tôi vay tiền từ Great Western Savings & Loans. Số vốn mà tôi sẵn có chỉ khoảng 30.000 USD”, Buffett nhớ lại.

Một lựa chọn đáng cân nhắc khác là tích lũy tiền trong các quỹ đầu tư chỉ số chi phí thấp, một hình thức đầu tư đã được Buffett khẳng định là sinh lời vượt trội so với các quỹ đầu tư thông thường trong bức thư thường niên gửi các cổ đông Berkshire Hathaway năm nay.

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.