Tuổi thơ là ký ức gắn liền với những bộ phim do nước Mỹ sản xuất được phát trên sóng truyền hình quốc gia những năm cuối thập niên 90 và đầu thập kỷ 2000: “Sabrina Cô phù thủy nhỏ” (Sabrina the Teenage Witch), “Thế giới bí mật của Alex Mack” (The secret world of Alex Mack), “Ở nhà một mình” (Home alone),… Với nội dung phim hài hước, cuộc sống trên phim hiện đại cùng lối diễn xuất tự nhiên của các nhân vật không lúc nào làm nhóc con 6 tuổi như tôi thấy nhàm chán.

Tuổi thơ tôi còn là những lúc nghe nhạc ‘N Sync, Backstreet Boys cùng mẹ cho dù lúc đó cả hai đều không biết tiếng Anh. Những giai điệu lúc thì sôi nổi, lúc thì trữ tình, bay bổng của những nhóm nhạc thịnh hành ở nước Mỹ lúc bấy giờ dường như xóa bỏ mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.

Chưa hết, tuổi thơ còn là cuộc chia tay với những người hàng xóm vốn là những người bạn rất thân của ba mẹ tôi. Họ lần lượt rời bỏ quê hương để sang vùng đất hứa theo diện đoàn tụ gia đình. Trong số họ, tôi quý nhất là bà Trâm, hiện bà đang sống ở Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley) – San Jose, California. Tôi thương bà Trâm rất nhiều vì lúc nhỏ mỗi khi bị ba mẹ đánh đòn, tôi đều chạy sang nhờ bà cứu viện hay những lúc ba mẹ bận công việc và về nhà trễ, tôi “mặc nhiên” được gửi sang nhà bà tá túc. Bởi vậy, lúc bà cùng anh Lâm – con trai bà sang Mỹ định cư, tôi không thể nào không buồn và quyến luyến. Những lần bà gọi điện về Việt Nam hay có dịp về thăm quê đều không quên dặn tôi phấn đấu học tập và trau dồi ngoại ngữ để sau này có dịp sang Mỹ thăm bà.

Tác giả lúc nhỏ chụp hình cùng bà Trâm và anh Lâm trước khi chia tay năm 1997

Tiếng Anh là môn học tôi nổi trội nhất. Ngoài thời giờ trên lớp, tôi mải mê luyện nghe tiếng Anh thông qua những bộ phim có chủ đề yêu thích hay tìm đọc các sách về thể loại du ký liên quan đến Xứ sở Cờ Hoa. Tôi để trí tưởng tượng của mình được dạo chơi trên những trang sách và những thước phim hòng thỏa mãn phần nào giấc mơ thực hiện chuyến du hành đến nước Mỹ xa xôi. Lúc xem phim “Chuyện thần tiên ở New York” (Enchanted), tôi ước mình được hóa thân thành nàng công chúa xinh đẹp Giselle xuất hiện giữa Quảng trường Thời Đại (Times Square) và bị “hớp hồn” bởi sự lung linh huyền diệu về đêm nơi đây khi ánh sáng từ các pano quảng cáo khổng lồ chạy dọc hai bên đường và ánh đèn của những chiếc taxi vàng rực lao ngược xuôi giữa “Giao lộ của thế giới” tạo nên một mê trận ánh sáng làm tôi không tài nào rời mắt…

Hay như bộ phim “Thực tập sinh” (The Internship) kể về hành trình tìm kiếm vị trí thực tập sinh tại đại bản doanh của Google ở Silicon Valley của hai chàng trai khá luống tuổi Billy và Nick. Khoảnh khắc sáu thành viên của nhóm thực tập sinh của Billy và Nick ngồi trên triền núi nhìn ngắm biểu tượng của San Francisco – Cây Cầu Cổng Vàng và nảy sinh ra ý tưởng mới cho nhiệm vụ được giao thật sự làm tôi xúc động mạnh….

Chi tiết Golden Gate Bridge xuất hiện trong bộ phim “The Intership”

Nếu như cô bé 6 tuổi năm nào xem phim Mỹ chỉ vì bề nổi của bộ phim như sự hài hước, diễn viên, bối cảnh, âm nhạc,… thì cô gái của 19 năm sau xem phim Mỹ không chỉ để luyện ngôn ngữ mà xem phim vì những thông điệp nhân văn về tình yêu, con người và cuộc sống được truyền tải đến người xem xuyên suốt mạch phim. Nước Mỹ đã nhẹ nhàng đánh cắp trái tim của tôi như thế và tôi thật sự muốn được diện kiến quốc gia tôi cảm mến cũng như được thăm người bà đã tạo động lực học ngoại ngữ cho tôi thuở nhỏ vào một dịp không xa.

Tôi khao khát được nếm trải cảm giác thèm thức ăn nhanh (fast foods) như trong “Bất hạnh là một tài sản – Một mình ở Châu Âu” của nhà văn Phan Việt khi mô tả về việc nữ chính, một người Việt sống ở Mỹ, tất tả tìm một cửa hàng McDonald để ăn tối khi cô đến Florence (Ý) sau nhiều ngày trời chu du ở trời Âu. Không chỉ đơn thuần cảm giác thèm đồ ăn của người mới bệnh dậy muốn được ăn bù mà “thèm” ở đây chính là cảm giác muốn cắn chặt và giữ lại hết những gì đã quá quen thuộc với mình trước đó. Và tôi cũng muốn được một lần trong đời được sống cùng những bộ phim, trang sách, câu hát đã đưa tôi tới tận nước Mỹ. Nhắm mắt lại, tôi thấy mình cùng bà Trâm đi mua sắm ở Santana Row và được mãn nhãn ngắm nhìn những hàng cọ cao duyên dáng nằm dọc theo những con đường dẫn tới các cửa hiệu bóng nhoáng đầy mời gọi. Tôi cũng tưởng tượng được anh Lâm đãi món anh thích nhất ở Mỹ là món Burrito béo ngậy do người Mễ chính gốc làm vào một ngày nắng vàng choáng ngợp nhảy múa cả bầu trời của Công viên Trung tâm (Central Park). À, tôi cũng tưởng tượng sẽ dẫn người thương đến và cả hai cùng ngồi vắt vẻo trên bảng tên Hollywood ngắm nhìn thành phố Los Angeles được những tia nắng cuối ngày nhuộm vàng óng ánh,….

Đĩa Burrito điển hình của người Mê-xi-cô Nguồn: https://www.foodnetwork.com/recipes/food-network-kitchen/breakfast-burrito-recipe-2121219

Tôi không muốn tiếp tục ngồi một chỗ và tưởng tượng nữa, tôi muốn biến những cảm giác thân quen đó thành hiện thực. Tôi vạch ra kế hoạch để thực hiện mục tiêu bằng những bước nhỏ nhất: Kiếm tiền, tích cóp và đi du lịch những nước lân cận để làm đẹp lịch sử du lịch trước khi xin thị thực du lịch Mỹ. Tôi xác định mình phải đi đường vòng một thời gian trước khi chính thức chinh phục mục tiêu lớn của đời mình và tôi muốn mình sẽ chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt từ tài chính, các ràng buộc trở về nước sau chuyến đi và lịch sử du lịch nhằm thuyết phục được Lãnh sự quán Mỹ cấp thị thực du lịch cho tôi. Thế rồi nhờ vào nỗ lực bản thân và may mắn, tôi đã lọt vào danh sách 100 thanh niên Việt Nam được cấp thị thực “Lao động kết hợp Kỳ nghỉ” của Chính phủ Úc cho năm 2017. Câu nói: “… khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy” của Paulo Coelho trong tác phẩm “Nhà Giả Kim” là kim chỉ nam cho tôi trong hành trình xin thị thực Úc đầy cam go và sắp tới sẽ giúp tôi chinh phục được “Giấc mơ Mỹ”./.

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *