Ông David Dương, Tiến sĩ Alan Phan, doanh nhân Chính Chu, Tỷ phú Trung Dung, Triệu phú Bill Nguyen và còn nhiều tấm gương doanh nhân thành đạt trên đất Mỹ, hầu hết họ đi lên từ hai bàn tay trắng, với chữ “thiện và nhẫn” trong tâm, đặc biệt là yếu tố “nhẫn”, kiên trì lao động không mệt mỏi, và trí tuệ, họ đã trở thành những triệu phú, góp phần khẳng định vị thế con người Việt.

Trung Dung, một trong những người châu Á nổi tiếng nhất tại Mỹ

Câu chuyện của Trung Dung được kể lại trên những phương tiện truyền thông như tạp chí Forbes, Thời báo Tài chính và Thời báo phố Wall. Năm 2013, Trung Dung là 1 trong 17 người Mỹ nhập cư thành công, được vinh danh trong quyển Giấc mơ Mỹ của Dan Rather. Trung Dung đã có trong tay 1,8 tỷ USD và là một trong những người gốc Việt thành công nhất trên đất Mỹ.

Năm 1985, Trung Dung đặt chân tới Boston với chỉ 2 USD và một chút vốn liếng Tiếng Anh. Sau 14 năm vất vả kinh doanh, chính thiện và nhẫn nhịn chịu đựng đã giúp ông vượt qua khó khăn, kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng để phát triển. Năm 1999, Trung Dung bán OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD. Sau đó Dung sáng lập và là trở thành CEO của Fogbreak Solutions, công ty chuyên về ứng dụng doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá độ linh hoạt của chuỗi cung ứng và hiệu quả dây chuyền sản xuất.

Tỷ phú Trung Dung

Vai trò của những dân nhập cư châu Á có trình độ như Dung ngày càng lớn hơn tại Khu vực Vịnh San Francisco. Trái ngược với những nhà kinh doanh nhập cư truyền thống khởi đầu từ các dịch vụ và sản xuất công nghệ thấp, lớp trẻ sau này thiên về lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật.

Bill Nguyen, triệu phú gốc Việt đi lên từ hai bàn tay trắng

Xuất thân nghèo khó khi sinh ra trong một gia đình lao động nhập cư vào Mỹ, Bill Nguyen đã tự hứa khi lớn lên sẽ không bao giờ để bản thân phải sống khổ thêm một lần nào nữa.

Năm 1992 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bill Nguyen. Chàng trai trẻ đến từ Houston, khi đó 21 tuổi, bắt đầu hành trình trở thành triệu phú khi đảm nhiệm vai trò điều hành tại Forefront. Forefront là công ty phần mềm mà chỉ 6 năm sau đã có giá trị lên tới gần 150 triệu USD.

Tiếp tục con đường, gặt hái thành công trong vai trò điều hành 2 công ty khác là Freeloader và Support.com, song chỉ tới khi thành lập Onebox năm 1999, tên tuổi của Bill mới thực sự được biết tới rộng rãi. Đó cũng là lần đầu tiên, Bill sáng lập một và làm chủ một công ty của riêng mình.

Onebox được thành lập một cách tình cờ. Bắt nguồn từ ý tưởng “gửi fax qua mạng Internet”, Bill tìm đến các công ty đầu tư mạo hiểm để tìm nguồn vốn thực hiện kế hoạch. Onebox đã trở thành một “cú nổ” lớn vào thời điểm đó, khi trang web này giúp các tổ chức, cá nhân gửi các bản fax ảo một cách dễ dàng.

Chỉ sau 18 tháng, Bill bán Onebox với giá 850 triệu USD. Trước đó, tổng số tiền Bill huy động được để gây dựng Onebox chỉ vẻn vẹn 60 triệu USD. Đây cũng là thương vụ thành công nhất của Bill cho tới thời điểm này.

Sau đó, mặc dù không thực sự thành công với Lala và đặc biệt là ColorLabs, Bill Nguyen vẫn được biết tới như một cái tên mà các nhà đầu tư “không mảy may nghi ngờ”. Thương vụ Lala với số vốn huy động 35 triệu USD, mặc dù không được coi là thành công, vẫn mang về 80 triệu USD khi được Apple mua lại vào năm 2009.

Bill từng là chủ tịch hội sinh viên gốc Phi khi còn học đại học, mặc dù có nguồn gốc châu Á. Ảnh: Snipview.

Thành công của Bill thoạt nhìn tưởng do thông minh, may mắn, nhưng ít ai ngờ được rằng chính tấm lòng lương thiện, được mọi người tin tưởng quý mến, sẵn sàng hỗ trợ vốn đầu tư. Anh là người Việt, nhưng đã là chủ tịch hội sinh viên gốc Phi khi còn học đại học đã nói lên tấm lòng thiện lương, chân thật, sống vì mọi người của anh. Anh cũng nói thành công của anh là nhẫn, chịu đựng gian khổ để vượt qua. Điều trăn trở lớn nhất đối với Bill lúc này, là việc chưa thể trở thành tỷ phú. “Đúng là điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều“, triệu phú này nói trong một bài phỏng vấn với Fast Company. “Tôi có khả năng chịu đựng gian khổ giỏi hơn bất kỳ ai khác, và sẽ tồn tại lâu hơn, bởi vì tôi có thể.”

Vua rác trên đất Mỹ – David Dương

Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CWS, Công ty châu Á duy nhất đứng thứ 31/100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ vào năm 2013.

David Dương còn là Chủ tịch công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) chuyên đầu tư xử lý rác thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Mới đây, VWS đã giành chiến thắng trước “đối thủ” cạnh tranh là Waste Mangement – công ty xử lý rác lớn nhất Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại Texas, có chi nhánh ở 50 tiểu bang và nhiều nước trên thế giới.

Hợp đồng mà CWS thắng thầu là một trong những hợp đồng lớn nhất của thành phố Oakland, trị giá 2,7 tỷ USD trong 20 năm, thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2015.

Ông David Dương cho biết, CWS thắng thầu là nhờ vào giá rẻ (công ty đang hoạt động ở Oakland), sự ủng hộ của toàn thể nhân viên công ty; đặc biệt là sự ủng hộ và đòi công bằng của cộng đồng người Việt cho công ty của người Việt – sắc tộc thiểu số ở Hoa Kỳ, đã đánh thức Hội đồng thành phố đi đến quyết định bầu chọn, giao hợp đồng cho CWS.

Ông David Dương

Ít ai biết được những khó khăn vất vả đã trải qua để có được thành công của  David Dương, chính lòng tận tâm kiên nhẫn vì công việc, làm việc gì ông cũng đặt hết tâm sức, cộng với một tâm thiện lành, làm gì cũng nghĩ đến xã hội trước, đối với nhân viên công ty ông lại càng luôn thể hiện bản tính thiện nên luôn được các nhân viên luôn tin yêu, quí mến. Hiện CWS có mặt tại 8 thành phố của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải, vận hành các nhà máy tái chế rác thải… Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên thị trường Mỹ và quốc tế, đưa ông David Dương lên ngôi “vua rác” trên đất Mỹ đầy tự hào.

Tiến sĩ Alan Phan

Alan Phan là doanh nhân Việt đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Harcourt do ông sáng lập đạt trị giá 670 triệu USD, trước khi tách thành 5 công ty và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Tiến sĩ Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ tại Mỹ trước khi nhận 2 bằng Tiến sĩ tại Anh và Australia. Ông còn tham gia thỉnh giảng tại các Đại học Mỹ (Colorado, Columbia, Cal State) và Trung Quốc.

Tiến sĩ Alan Phan

Alan Phan có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn tại Phố Wall. Ông còn là Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA, chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và là cổ đông tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Mỹ.

Năm 1997, Alan Phan là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. Với kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực đầu tư, hiện Alan Phan đang là một chuyên gia phân tích, với những góc nhìn độc đáo và sâu sắc về kinh tế.

Là người rất tâm huyết với quê hương, ông đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông đã qua đời tháng 10/2015 tại Mỹ, khi ở tuổi 70.

Chính Chu

Doanh nhân Chính Chu sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ. Chính Chu khởi nghiệp từ việc đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chính Chu có bằng cử nhân Tài chính loại xuất sắc của Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).

Doanh nhân Chính Chu ngoài cùng bên trái

Trước khi gia nhập Blackstone vào năm 1990, Chính Chu từng làm việc tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers từ năm 1988. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone.

Thị trường tài chính Thế giới biết đến Chính Chu nhiều hơn khi ông chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower do tỷ phú Donald Trump đầu tư vào cuối năm 2007. Sau cố gắng bất thành để mua nốt nửa tầng còn lại, Chính Chu bỏ thêm 5 triệu USD để tăng không gian trên tầng mái tòa nhà, nâng tổng chi phí lên 39,3 triệu.

Hiện tại tài sản của doanh nhân gốc Việt này khoảng 1,1 tỷ USD. Tại Việt Nam, ông Chính Chu còn được biết đến là phu quân của ca sĩ hải ngoại Hà Phương, em gái của ca sĩ Cẩm Ly.

Cái tên cũng đã phần nào đã nói lên tính cách của bản thân ông, chân chính, chu đáo, thiện nhẫn. Cùng với trí thông minh, những đức tính tốt đẹp đó đã góp phần tạo nên một tỷ phú gốc Việt ở Mỹ.

Tự hào vì những thành đạt của người Việt

Người Việt luôn tự hào là dân tộc thông minh, cần cù chăm chỉ, nhưng quan trọng hơn là có trái tim thiện lành, nhẫn chịu đã giúp người Việt vươn lên trước mọi khó khăn.

Trong bối cảnh đất khách quê người, không quen phong tục, tập quán và môi trường kinh doanh, nguồn vốn để khởi nghiệp cũng không có, nhưng họ đã vượt qua, đi lên bằng cách kinh doanh chân chính, bằng sự tin tưởng và trái tim thiện, nhẫn. Đây cũng là bài học cho các doanh nhân Việt Nam để tiến đến phát triển bền vững thay vì cách làm ăn sổi ở thì của nhiều người hiện nay.

Thành Tâm

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.