Bài viết của một người Trung Quốc sống ở Úc, và có lẽ cũng như nhiều quốc gia phát triển khác như Mỹ, Canada

Khi tôi quyết định di cư đến Úc, tôi đặt ra một giới hạn có phạm vi vô cùng nhỏ cho quyết định này, chỉ là khi tôi nói việc này với bố đang nằm trên giường bệnh, tôi nói với ông rằng tôi muốn ra ngoài kia ngắm nhìn thế giới, bố tôi yếu ớt lặng lẽ đồng ý với tôi. Mẹ tôi bảo, cho đến ngày bố tôi rời khỏi thế gian này, ông cũng không tha thứ cho sự lựa chọn này của tôi.

Tôi từng là đứa con mà bố mẹ yêu thương nhất, tôi nghĩ rằng sự trầm mặc của của bố tôi là vì bố không muốn để đứa con này của ông bỏ lại tất cả những gì đã có ở trong nước để làm lại từ đầu tại một nơi xa lạ ở cái tuổi không còn trẻ trung này. Có lẽ mẹ tôi cũng đã chịu ảnh hưởng từ bố tôi, trong 3 năm qua, mẹ luôn dùng nhiều lý do để từ chối việc tôi muốn đưa mẹ đến Úc. Cho đến tháng 6 năm nay, mẹ mới chịu cùng chị tôi đến xem thử “cái nước ăn cắp, lưu manh và cướp bóc” (theo tuyên truyền của chính quyền) trong mắt bà rốt cuộc ra sao.

Sau 1 tháng rưỡi, mẹ tôi hưởng thụ ánh nắng ấm áp vào ngày đông ở Nam bán cầu này và kể cho tôi nghe về nước Úc trong suy nghĩ của bà.

Quần áo

Mẹ tôi tuổi Thân, năm nay đã 70 tuổi rồi, ai gặp cũng khen mẹ tôi trẻ quá, còn nghĩ là bà chỉ mới ngoài 60. Khi tôi còn nhỏ cũng từng rất tự hào vì điều này, mẹ tôi là một người phụ nữ rất đẹp, tôi hay đùa với bố là “Hồi đó làm sao bố theo đuổi được mẹ vậy nhỉ?”, bố tôi luôn ngại ngùng nói tôi tào lao, còn mẹ tôi lần nào cũng làm như giận dỗi nói: “Tôi bị ông lừa chứ sao, nếu mà có kiếp sau, tôi cưới ai chứ không cưới ông đâu”. Tôi chưa từng nghe bố mẹ nói “tôi yêu bà/tôi yêu ông” bao giờ, cũng chưa từng thấy họ nắm tay nhau, nhưng lúc nào cũng có thể cảm nhận được họ nương tựa lẫn nhau.

Sau khi bố tôi qua đời, mẹ tôi không mặc quần áo sáng màu, đẹp đẽ suốt một khoảng thời gian dài, mẹ dùng cách này để tưởng nhớ bố tôi, tôi hiểu điều này nhưng chưa từng nói ra. Sau 3 năm, tôi nói với mẹ rằng mẹ cần phải sống cho mình, tôi muốn nhìn thấy mẹ thật xinh đẹp.

Khi đến Sydney, tôi phải đi làm, vợ tôi bầu bạn với mẹ, cùng mẹ dạo phố, một ngày nọ mẹ nói với vợ tôi: “Mỗi sáng đi ngang qua quán cà phê mẹ đều thấy những người lớn tuổi tóc đã bạc phơ, trước mặt họ có một ly cà phê, một cái bánh, họ trò chuyện vui vẻ, mọi người đều rất nhàn nhã, sảng khoái, tóc được chải gọn gàng, rất nhiều người đã 80-90 tuổi vẫn mặc đồ màu đỏ, màu tím rất đẹp, mẹ cũng muốn sống như thế”, ngày hôm sau, vợ tôi mua cho mẹ một chiếc áo khoác màu đỏ, bà vui vẻ thử áo và chụp rất nhiều ảnh hệt như một đứa trẻ vậy.

Mẹ tôi nói, người già ở đây ai nấy cũng đều rất gọn gàng sạch sẽ, có rất nhiều quần áo đơn giản mà mặc vào cũng rất đẹp. Họ sống vui vẻ thoải mái như chưa từng gặp chuyện gì buồn phiền. Tôi nói với mẹ, đây là một trạng thái tâm lý, những điều buồn phiền mà người lớn tuổi ở Úc gặp phải không hề ít hơn chúng ta, cuộc đời có rất nhiều niềm vui, vì sao chúng ta cứ phải lựa chọn khổ sở?

Ăn uống

Sau một tháng đến Úc, chúng tôi thấy rõ là mẹ ăn rất ngon miệng. Mẹ nói rằng thức ăn ở đây khiến mẹ nhớ lại mùi vị lúc mẹ còn nhỏ. Trong trí nhớ của tôi, mẹ tôi không ăn được thịt, nhưng ở Úc, bà bắt đầu ăn những món sườn, bít tết, thịt bò, cá mà vợ tôi nấu. Mẹ nói mẹ ăn ngon lắm, không hề nặng nề.

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thích trồng cây cỏ, rau củ quả trong vườn, bà đặc biệt thích mùi hương thanh thanh của cà chua mới chín còn cuống. Lúc đi siêu thị, mẹ tôi sửng sốt phát hiện ra cà chua ở đây đều được bán giữ nguyên cuống, lần nào tôi và mẹ cũng cầm ngửi mãi mùi hương trong trí nhớ khi xưa ấy.

Mẹ tôi thích làm các món bằng bột mì như mì kéo, màn thầu, bánh xếp, bánh bao. Bà bất ngờ phát hiện ra ở đây bột mì ở đây chẳng những rẻ hơn ở Trung Quốc, mà còn cực kỳ thơm nữa, dù làm món gì cũng đều khiến mẹ bất ngờ. Hương lúa mạch ấy đúng là mùi hương của tuổi thơ.

Nhà ở

Mẹ tôi thường hay ra ngoài đi dạo, mẹ thích ngắm nhìn những căn nhà, những khu vườn, mẹ nói với tôi: Con trai à, con phải nỗ lực để mua một ngôi nhà ven biển, có một cái vườn thật lớn, đừng trồng cỏ mà hãy trồng nhiều loại rau.

Sau khi thấy nhiều căn biệt thự, mẹ tôi bất ngờ nói, đây chẳng phải là “nông thôn mới theo chủ nghĩa xã hội” mà chính phủ Trung Quốc thường nói đây ư? Mỗi nhà một miếng đất, tự xây nhà, nhưng nhắc đến nông thôn của chúng ta thì chỉ toàn nghĩ đến “bẩn, bừa, kém”, sao nông thôn ở đây nhà nào cũng đều rất đặc sắc, rất sạch sẽ vậy? Bãi cỏ trước và sau nhà gọn gàng như thảm vậy, ngay cả hoa dại bên đường cũng được trồng trong chậu.

Đi lại

Mẹ tôi mất nửa tháng để học cách qua đường và dần quen với việc được xe cộ lịch sự nhường đường. Từ thận trọng lúc ban đầu thì bây giờ mẹ đã hoàn toàn thoải mái. Mẹ nói mình cảm thấy được tôn trọng, đây đâu phải là “thế hệ sau của những kẻ lưu manh, trộm cắp”.

Mỗi cuối tuần chúng tôi đều lái xe đưa mẹ đi ngắm phố phường, mẹ nói, sao người ở đây lái xe có trật tự đến vậy, rất ít khi nghe thấy tiếng xe hơi bóp còi inh ỏi hay chuyển làn vô lý gây kẹt xe. Mẹ không còn lo lắng khi tôi lái xe ra ngoài nữa, mà ngược lại, mẹ đã bắt đầu hưởng thụ cuộc sống này rồi. Mẹ nói rằng nếu trẻ ra vài tuổi, mẹ cũng muốn học lái xe, vì mẹ thấy có nhiều người lớn tuổi ở đây vẫn lái xe. Tôi có thể tưởng tượng được sự bất ngờ của mẹ đối với cuộc sống ở đây.

Bầu trời xanh

Trước khi đến Úc, tôi từng nhiều lần trò chuyện với mẹ về bầu trời xanh, cũng lo lắng về sương mù. Mẹ luôn nói với tôi là do tôi quá nhạy cảm nên đã quên mất, mẹ nói bầu trời đầy sương mù không thấy màu xanh là bình thường, khi tôi còn nhỏ thì bầu trời là như thế. Sau khi đến Úc, dù là mùa đông, mặt trời vẫn chói chang, bầu trời vô cùng trong xanh, ngày nào mẹ tôi ra ngoài cũng muốn chụp ảnh và không quên nhắc tôi phải chụp cả trời xanh mây trắng.

Mẹ tôi nói, bầu trời càng xanh càng nhớ nhà, mẹ lo ở nhà không ai quét dọn. Mẹ vẫn tưởng tượng rằng có một ngày ở quê bỗng nhiên không còn sương mù nữa.

Một tháng rưỡi quá ngắn ngủi, mẹ vẫn chưa hiểu nhiều về nước Úc, chỉ mới có những điều trên đây thôi. Mẹ nói, những điều này cũng đã có thể an ủi linh hồn của bố tôi trên trời, rằng con trai của bố đã lựa chọn đúng đắn khi đến quốc gia này, đây là một nơi có thể cảm nhận được sự tôn trọng, có thể sống hạnh phúc bằng sự nỗ lực của mình, có thể hít thở bầu không khí trong lành, có thể thoải mái ăn những gì mình muốn.

Đối với những người Trung Quốc lớn tuổi chưa từng đi ra nước ngoài, các quốc gia tư bản là “lưu manh, trộm cắp”.

Mẹ muốn nói với bố tôi rằng, cái gọi là “quốc gia lưu manh, trộm cắp” mà chúng tôi từng nghĩ hiển nhiên là một lời nói dối tẩy não cực kỳ lớn.

Không cần trở thành một xã hội “ổn định” nữa, hãy nhìn các thể chế kinh tế lớn, nếu có một ngày có thể đảm bảo khi mọi người vào nhà vệ sinh công cộng đều có nước nóng, nước lạnh bất cứ lúc nào mà không cần phải trả phí, không cần mang theo giấy; khi bạn đi bộ trên đường, những người lạ qua đường sẽ mỉm cười thân thiện với bạn, một quốc gia như vậy mới là mục tiêu mà chúng ta cần theo đuổi.

Ngọc Trúc biên dịch

Đội ngũ chuyên gia và luật sư di trú sẵn sàng hỗ trợ, hãy gọi Hotline 0948064444.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *